Bão số 11 đã tăng độ, mạnh cấp 15 – cấp 16 và đang hướng vào khu vực miền Trung. Dự báo chiều tối nay, tâm bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng.
Hồi 04g ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Theo bản đồ đường đi của bão cho thấy tâm bão hướng thẳng vào khu vực Huế - Đà Nẵng . Và cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 330km về phía Đông.
Hình ảnh dự báo đường đi của bão số 11. |
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14 (từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Trước diễn biến của bão số 11 chiều tối qua (13/10), tại cuộc họp của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết bão Nari có tốc độ nhanh (phổ biến trên 15km/h, hiện đang mạnh cấp 13, 14, giật cấp 15, 16). Theo tính toán của Trung tâm cho thấy bao trùm từ Nam Trung Bộ đến vĩ tuyến 20 là vùng có khả năng bão đi vào, trong đó đặc biệt là khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng.
Có 2 trường hợp được đặt ra: nếu bão đi thẳng vào khu vực trên thì sớm nhất là đêm 14/10 bão sẽ đổ bộ; nếu bão tiến gần bờ nhưng không đổ thẳng vào miền Trung mà trườn dọc bờ biển, tiến lên phía Bắc thì bão sẽ quét dọc ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng .
Nhìn đường đi và vị trí cơn bão số 11 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương và tham khảo các trang dự báo của nước ngoài, dễ dàng nhận thấy có rất nhiều khả năng Đà Nẵng sẽ là một trong những vùng tâm bão.
Tránh bão Nari, Đà Nẵng sơ tán 55.000 dân
Trước diễn biến khó lường của bão Nari, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết sẽ sơ tán khoảng 11.000 hộ dân với gần 55.000 nhân khẩu tại khu vực quận Liên Chiểu , huyện Hòa Vang và một số vùng lân cân Thanh Khê , Ngũ Hành Sơn ... Đặc biệt, tập trung vùng dễ bị ảnh hưởng; các dãy nhà không kiên cố, phòng trọ sinh viên, công nhân, ven biển với phương châm sơ tán tại chỗ, di chuyển đến nơi kiên cố lân cận trước 12g trưa nay (14/10) để tránh bão.
Ông Huỳnh Vạn Thắng , Phó ban chỉ huy PCLB&TKCN Đà Nẵng nhận định: "Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Đài Khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ thì Đà Nẵng là địa phương có nguy cơ bão đổ bộ cao nhất. Với sức gió cấp 10-11, giật cấp 14-15 thì sức tàn phá sẽ ghê gớm không thua kém như cơn bão Shanshan đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006, nên các cơ quan ban ngành không nên chủ quan mà phải lên phương án sẵn sàng ứng phó”.
Bão Nari tàn phá Philippines, 13 người thiệt mạng
Ngày 13/10, nhà chức trách Philippines nỗ lực khắc phục hậu quả sau khi cơn bão Nari với sức gió giật lên tới 185km/h đổ bộ vào phía bắc nước này, làm ít nhất 13 người thiệt mạng.
Cơ quan giám sát và giảm nhẹ nguy cơ thảm họa quốc gia Philippines cho biết, một số vùng nông nghiệp vẫn chìm trong biển nước, trong khi người dân tại nhiều thị trấn ở tỉnh Aurora cùng 5 tỉnh lân cận trên đảo Luzon chưa có điện sinh hoạt. Cơn bão Nari cũng làm tốc mái nhiều ngôi nhà, quật đổ nhiều cây cối, gây ra lũ quét và lở đất trước khi tiến vào Biển Đông. Phần lớn trong số 43.000 người sơ tán đã trở về nhà sau khi Chính phủ Philippines dỡ bỏ tất cả các cảnh báo bão.
Đây là cơn bão thứ 19 đổ bộ vào Philippines trong năm nay. Tháng trước, cơn bão Usagi kèm theo mưa lớn cũng đổ bộ vào đảo Luzon, gây lụt trên diện rộng và khiến 30 người thiệt mạng. |
Theo Nguyễn Linh
Petrotimes
Petrotimes